Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Cơ hội vàng từ Gặp gỡ Việt Nam


Vợ chồng GS Trần Thanh Vân (giữa) và GS Nguyễn Văn Hiệu

– Những người sáng lập Gặp gỡ Việt Nam


2.Cảm ơn GS Trần Thanh Vân – người suốt đời mình phấn đấu vì 2 mục đích: Khoa học và Quê hương. Suốt đời mình, ông nỗ lực tập hợp các nhà vật lý hàng đầu thế giới cùng tham gia các cuộc gặp gỡ khoa học như Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và cùng GS Nguyễn Văn Hiệu nảy ra sáng kiến Gặp gỡ Việt Nam, ông đã không mệt mỏi mong muốn xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại Việt Nam.


5 nhà khoa học đoạt giải Nobel đến Việt Nam, nói như nhà báo Hàm Châu, Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 mang tầm vóc toàn cầu. Có được điều ấy là nhờ uy tín của các nhà khoa học Việt Nam. Để có đủ sức quy tụ các nhà khoa học từ khắp năm châu, tầm cỡ và uy tín của nhà khoa học gốc Việt Nam Trần Thanh Vân là rất lớn. Điều đáng quý ở ông là dù sống ở nước ngoài, dù đạt tới một tầm vóc một nhà khoa học lớn được cả thế giới biết đến với những công trình nghiên cứu vật lý hạt cơ bản, ông không bao giờ chỉ phấn đấu cho riêng bản thân mình. "Khoa học và Quê hương chính là lẽ sống của đời tôi” – "tuyên ngôn” ấy của GS Vân không chỉ là ngôn từ đẹp đẽ. Nó còn là sự thực hiển hiện qua cuộc đời ông mà Gặp gỡ Việt Nam là một. "Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành” có quy mô 18,4 ha tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, với tổng mức đầu tư khoảng 6 triệu USD được khánh thành vào đúng dịp Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 là nỗ lực suốt 20 năm qua của ông và các đồng nghiệp. Đem về quê hương xây dựng một Trung tâm khoa học quốc tế, ông tâm niệm từ đây tầm vóc khoa học của Việt Nam sẽ được nâng cao và góp phần nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam.


Các nhà khoa học bạn ông vẫn thường kể câu chuyện cảm động về ông. Giữa giá rét mùa đông ở Thủ đô Paris, GS Trần Thanh Vân và vợ là GS Lê Kim Ngọc đã đi bán thiếp Noel để góp tiền mang về Việt Nam xây dựng Làng Trẻ em SOS Đà Lạt, Đồng Hới và Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân (Huế). Cũng vợ chồng GS Trần Thanh Vân lập Quỹ học bổng Odol Valell tài trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học Việt Nam mỗi năm hàng tỷ đồng.

Gần như không kỳ Hội nghị Việt Nam học nào vắng mặt vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Với sự giản dị, gần gũi, ông tiêu biểu cho lớp trí thức lớn Việt Nam tiếp cận tới đỉnh cao khoa học nhân loại nhưng mang đậm tinh thần dân tộc.


3.Câu chuyện cuộc đời GS Trần Thanh Vân và cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 có thể phần nào chăng đánh động suy nghĩ của người Việt Nam về sự thực tâm và hiệu quả. Thực tâm coi khoa học và quê hương là lẽ sống của đời mình, ông phấn đấu cả đời cho 2 mục đích ấy và đạt hiệu quả thực sự chứ không phải là những lời lẽ nói cho có. 9 lần tổ chức các cuộc Gặp gỡ Việt Nam và phải nhớ rằng, lần đầu tiên Gặp gỡ Việt Nam diễn ra ở Hà Nội vào năm 1993, thời điểm còn đầy khó khăn với các nhà khoa học trong nước khi tiếp cận với các nhà khoa học Châu Âu và Mỹ. Ở lần thứ 9, bằng uy tín của mình mời được 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel đến Việt Nam, ông đã tạo ra một cơ hội vàng cho nền khoa học, cho hình ảnh đất nước.


4.Các nhà hoạch định chính sách cho nền khoa học Việt Nam nên tận dụng lợi thế có sẵn "tài nguyên” là rất nhiều nhà khoa học đạt tầm vóc quốc tế, chỉ tính riêng ở lĩnh vực vật lý và toán học, như Nguyễn Văn Hiệu, Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn… Nền khoa học Việt Nam cần tận dụng cơ hội do uy tín của những nhà khoa học như GS Trần Thanh Vân mang lại.


Đó là vấn đề cần được đặt ra, suy nghĩ thấu đáo để những dịp hiếm hoi các bậc thầy về trí tuệ của thế giới đến Việt Nam không phải chỉ là việc các nhà khoa học tự bàn với nhau chuyện vật lý thiên văn và vũ trụ xa xôi đâu đó.


Chỉ tính riêng ở lĩnh vực giản dị hơn là du lịch, còn gì đẹp hơn hình ảnh các nhà khoa học hàng đầu thế giới vừa gặp gỡ, tranh luận khoa học vừa dạo chơi, thư giãn bên bờ biển Ghềnh Ráng (nghe nói GS Vân sẽ tiếp tục xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho các nhà khoa học ở đây).


Gặp gỡ Việt Nam lần này là một cơ hội. Cần sự tưởng thưởng xứng đáng từ phía Nhà nước cho những nhà khoa học tầm cỡ và tâm huyết với đất nước. Và nên học ở họ sự tận tâm và hiệu quả khi đã thật lòng coi khoa học và quê hương là lẽ sống!

Cẩm Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét